Gia đoạn 9 tháng 10 ngày mang thai của người mẹ là cả quãng thời gian dài mệt mỏi, ốm nghén nên nhiều thai phụ không hấp thu tốt các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Sự thiếu hụt các dưỡng chất như sắt, canxi, DHA, acid folic, iod & các vitamin khác cho bà bầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho mẹ và bé.
* Sắt và Acid folic: Là 2 thành phần cơ bản quan trọng nhất cần bổ sung đối với phụ nữ mang thai. Sắt cần thiết để tạo Hemoglobin, 1 thành phần quan trọng của máu. Hemoglobin mang oxy tới khắp cơ thể mẹ và thai nhi. Sắt cũng giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì là thành phần của enzym trong hệ miễn dịch. Thiếu sắt ở phụ nữ mang thai dẫn đến nguy cơ thai phát triển chậm, thai lưu, suy dinh dưỡng bào thai, hay tai biến xuất huyết sau khi sinh.
Thiếu Acid folic trong thời kỳ mang thai dẫn tới trẻ có thể bị khuyết tật ống thần kinh, nứt đốt sống và não úng thủy, thiếu máu hồng cầu khổng lồ, sinh non và nhẹ cân, nguy cơ sẩy thai cao. Một số bà mẹ sau bắt buộc phải theo chế độ bổ sung acid folic chặt chẽ như: tình trạng dinh dưỡng kém, sụt cân, ăn ít, nghèo vi chất dinh dưỡng; lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng hoặc chán ăn; mới sẩy thai hay thai chết lưu; phụ nữ đẻ dày, có nhiều con; có tiền sử sinh con khiếm khuyết ống thần kinh.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai dự định mang thai phải bắt đầu bổ sung đủ acid folic 3 tháng trước thời điểm dự định có thai. Nhất thiết phải đảm bảo đủ khẩu phần hàng ngày có 400μg acid folic.
Omega 3 (DHA và EPA): Hỗ trợ phát triển trí não của trẻ, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ và cho tới 18 tháng. DHA giúp bà mẹ mang thai giảm chứng trầm cảm sau khi sinh. Trẻ em sinh ra bởi các bà mẹ được bổ sung đầy đủ Omega 3 sẽ có những hành vi tốt hơn, giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ sơ sinh nhờ chức năng miễn dịch của DHA. Để bổ sung DHA mẹ nên dùng các loại cá khoảng 2 -3 lần/ tuần và tránh các loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao. Ngoài ra mẹ có thể dùng thêm một số loại sữa và các loại sản phẩm bổ sung DHA.
*Calci và vitamin D3 cho bà bầu: giúp hình thành và phát triển hệ xương cho thai nhi và vẫn đảm bảo sự toàn vẹn cho hệ xương của bà mẹ. Vitamin D3 làm cho quá trình hấp thu Calci tốt hơn.
*Vitamin và khoáng chất: Vitamin A cho bà bầu có vai trò đặc biệt trong hoạt động thị giác, tăng cường miễn dịch trong cơ thể. Thiếu vitamin A sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong, gây khô mắt, có thể dẫn đến mù loà vĩnh viễn nếu không được điều trị. Vitamin B1 cho bà bầu là yếu tố cần thiết để chuyển hoá glucid. Các loại hạt cần dự trữ vitamin B1 cho quá trình nảy mầm do đó ngũ cốc và các hạt họ đậu là những nguồn vitamin B1 tốt. Vitamin C có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt…
Một số khoáng chất thiết yếu cần thiết cho cơ thể mẹ và bé như kẽm, magie… Kẽm là thành phần và chất xúc tác cho rất nhiều loại enzym chuyển hóa trong cơ thể, rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất. Thiếu kẽm khả năng thụ thai kém hơn. Đối với mẹ, khi mang thai dễ có nguy cơ sinh non, nhẹ cân. Đối với trẻ sơ sinh sẽ còi cọc, chậm phát triển. Magie giúp giảm triệu chứng buồn nồn, co cơ, chuột rút ở phụ nữ mang thai.