Các cụ xa xưa với mong muốn thai nhi được khỏe mạnh và phát triển tốt, rất nhiều bà bầu cố tìm mua trứng ngỗng để ăn, hoặc cố gắng ăn thật nhiều đồ bổ dưỡng.
Trong khi, ngược lại nhiều người vì sợ nôn do nghén mà không dám ăn.
Thực tế, đây lại là những suy nghĩ sai lầm thường gặp của các bà bầu, có thể gây ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé.
SAI LẦM 1: Ăn nhiều để em bé to, khỏe:
Với suy nghĩ “ăn cho hai người” khi mang thai, nên các bà bầu thường cố gắng ăn thật nhiều món ngon, bổ dưỡng để em bé to khỏe.
Nhưng trên thực tế, việc bà bầu ăn quá nhiều trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến béo phì, làm gia tăng các nguy cơ các bệnh tiểu đường, tim, đột quỵ, vô sinh thứ phát, trầm cảm và một vài dạng ung thư khác.
Ngoài ra, thai nhi to quá mức sẽ dẫn đến việc sinh nở có thể gặp khó khăn. Vấn đề giảm cân sau sinh cũng rất khó nếu các bà bầu ăn nhiều trong quá trình mang thai.
Lời khuyên: Mẹ bầu nên chú ý kiểm soát cân nặng của mình theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem mình nên tăng thêm bao nhiêu kg (đối với phụ nữ khỏe mạnh mang thai bình thường, hầu hết các bác sĩ khuyên chỉ nên tăng thêm từ 12 đến 15 kg).
SAI LẦM 2: Kiêng khem quá mức để giữ dáng:
Có không ít các thai phụ “nhân tiện” việc mang thai để ăn uống thoải mái, với tâm lý cho rằng đằng nào cũng tăng cân thì cứ ăn rồi giảm cân một thể; thì ngược lại cũng có những người ăn uống kiêng khem quá mức để giữ dáng, dẫn tới tình trạng thiếu cân.
Hãy nhớ rằng việc mang trong mình một em bé, do đó tăng cân là một điều hiển nhiên. Lúc này không phải là lúc để “giữ vóc dáng” dù rằng trước đó bạn có thể sở hữu một thân hình chuẩn.
Lời khuyên:
Hãy thực hiện chế độ ăn uống cân đối hài hoà và những bài thể dục nhẹ nhàng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Các mẹ bầu cũng không nên ăn uống thả cửa nhưng cũng đừng quá lo lắng về chuyện “giữ dáng”. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn lấy lại vóc dáng dễ dàng sau sinh, nhất là khi đó bạn có thể tha hồ tập thể dục để lấy lại dáng.
SAI LẦM 3: Ăn trứng ngỗng để con thông minh
Nhiều phụ nữ tin rằng ăn trứng ngỗng sẽ giúp em bé trong bụng sinh ra thông minh hơn; bởi quan niệm dân gian cho rằng trứng ngỗng là món ăn giúp em bé phát triển tốt, đặc biệt là phát triển trí não, khiến bé sau này sinh ra được thông minh, lanh lợi.
Tuy nhiên, thực tế chưa có kết luận khoa học nào khẳng định phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng thì con thông minh, hoặc trứng ngỗng tốt cho thai nhi hơn các trứng gia cầm khác.
Hơn thế, hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng nhỏ hơn hàm lượng vitamin có trong trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. ( Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng là 0,33mg%, thì hàm lượng vitamin này trong trứng gà là 0,70mg%, cao gấp đôi so với trứng ngỗng).
Lời khuyên: việc bà bầu bổ sung trứng ngỗng thường xuyên còn có thể bị béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao. Do trong trứng ngỗng chứa nhiều thành phần cholesterol và giàu lipid, là những chất không có lợi cho sức khỏe phụ nữ có thai.
SAI LẦM 4: Nhịn ăn để không bị nôn
Đây là quan niệm sai lầm tai hại vì khi người mẹ mang thai không cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng thiết yếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bé.
Khi mẹ ăn uống thường xuyên và đầy đủ thì cho dù có bị nôn sau đó, thức ăn vẫn không đi ra ngoài hết, mà vẫn được cơ thể hấp thu.
Lời khuyên: mẹ bầu cần ăn để thai nhi không bị thiếu chất dinh dưỡng. Tuyệt đối không được nhịn ăn vì điều này có thể nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Cách khắc phục tạm thời cho tình trạng nôn ói do nghén nặng là: ăn ít một và chia làm nhiều bữa trong ngày để vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi.