Tại sao người bệnh Parkinson hay bị táo bón?
Thiếu dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh) trong não: Người bệnh Parkinson thường thiếu dopamine, khiến các cơ bắp trong cơ thể trở nên cứng và chậm chạp. Điều này hạn chế khả năng vận động của cơ thể, bao gồm cả các hoạt động nhu động ruột. Khi các cơ đường ruột yếu và không thể co bóp tốt, chúng có thể thít chặt lại thay vì thả lỏng trong khi đại tiện.
Thiếu chất xơ: Chất xơ là một thành phần quan trọng giúp tăng cường hoạt động nhu động ruột, khắc phục tình trạng táo bón. Tuy nhiên, người bệnh Parkinson thường gặp tình trạng khó nhai, khó nuốt. Điều này khiến họ có xu hướng tránh các loại thực phẩm giàu chất xơ.
Không uống đủ nước: Chúng ta cần nước để tiêu hóa chất xơ tốt hơn, cũng như làm loãng phân. Tuy nhiên, do khó nuốt, nhiều người bệnh Parkinson thường ngại uống nước, dẫn đến tình trạng táo bón càng thêm nặng.
Lối sống ít vận động: Ít vận động làm giảm trao đổi chất, giảm hoạt động đường ruột dẫn đến tình trạng táo bón. Bệnh Parkinson gây rối loạn vận động, giảm khả năng kiểm soát cơ nên nhiều người bệnh không có thói quen tập thể dục.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị bệnh Parkinson (đặc biệt là các thuốc kháng choline - anticholinergic, giúp hạn chế các chuyển động không kiểm soát) có thể gây ra các tác dụng phụ như giảm cảm giác thèm ăn, táo bón.
Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng táo bón cho người bệnh Parkinson?
Ngoài việc sử dụng thuốc nhuận tràng và hạn chế sử dụng một số loại thuốc có chứa calci và nhôm, một số thay đổi sau có thể giúp người bệnh Parkinson khắc phục bệnh táo bón:
Thay đổi chế độ ăn: Điều quan trọng là phải tìm cách bổ sung chất xơ trong chế độ ăn. Nếu khó nhai, khó nuốt, bạn có thể chọn các thực phẩm giàu chất xơ dễ ăn (như các loại trái cây mềm) hoặc cắt nhỏ, nghiền nhuyễn các loại trái cây để dễ ăn hơn. Lưu ý nếu nghiền nhuyễn trái cây, hãy giữ lại cả vỏ vì chúng tập trung nhiều chất xơ.
Lưu ý lượng bổ sung chất xơ nên được tăng dần dần từng ngày, kết hợp cùng uống nhiều nước để giảm nguy cơ đầy bụng, đau bụng. Nhắm tới mục tiêu ăn ít nhất 2 miếng hoa quả và 5 phần rau củ/ngày.
Uống nhiều nước: Cố gắng uống từ 6 - 8 cốc nước (khoảng 2l nước) 1 ngày. Người bệnh Parkinson nên uống nước nhiều lần trong ngày, mỗi lần uống từng ngụm nhỏ sẽ dễ nuốt hơn. Hạn chế các loại đồ uống có cồn, cà phê vì chúng có thể làm trầm trọng tình trạng táo bón.
Tập thể dục nhẹ nhàng: Tập các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức ít nhất 30 phút/ngày để cải thiện khả năng vận động, tăng cường hoạt động đường ruột. Tốt hơn hết hãy tham khảo bác sỹ để biết các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.
Tạo thói quen đi vệ sinh phù hợp với tình trạng bệnh: Để khắc phục tình trạng táo bón, người bệnh Parkinson nên thay đổi tư thế khi đi đại tiện, giúp hoạt động nhu động ruột diễn ra dễ dàng hơn bằng cách kê chân lên một chiếc ghế nhỏ. Bạn cũng có thể dùng một chiếc khăn ấm để chườm bụng hoặc massage nhẹ nhàng để thư giãn các cơ đường ruột.