Có cần phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi hay không tùy thuộc vào mức độ bệnh của từng trường hợp. Mổ vẹo vách ngăn mũi được chỉ định trong trường hợp khi cần chỉnh hình, cắt, gọt một phần hay toàn bộ vách ngăn mũi.
1. Vẹo vách ngăn mũi là tình trạng phổ biến
Vách ngăn mũi được cấu tạo gồm sụn và xương, có chiều dài khoảng 8cm, nằm giữa và chia đôi hốc mũi, đi từ tiền đình mũi cho đến vòm mũi họng. Thực tế, lệch hay vẹo vách ngăn mũi rất thường gặp và đa phần là do bẩm sinh, có thể mổ hoặc không cần mổ vẹo vách ngăn mũi. Tuy nhiên, ban đầu vẹo vách ngăn không có biểu hiện rõ rệt. Khi cơ thể lớn lên, xương phát triển theo, khi đó những biểu hiện của vẹo vách ngăn mũi ngày càng rõ hơn.
Nhiều trường hợp bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán vẹo vách ngăn thì tỏ ra hoài nghi, vì trước đó bệnh nhân không hề bị té, bị va chạm ở đâu để có thể dẫn đến vẹo vách ngăn. Ngoài những trường hợp mắc bệnh bẩm sinh thì cũng có một vài ca bị vẹo vách ngăn mũi là do chấn thương và gặp tai nạn ở mũi (do té ngã, va chạm mạnh, bị đánh,...).
2. Người bị vẹo vách ngăn mũi có nguy hiểm không?
Hầu hết có thể không cần mổ vẹo vách ngăn mũi do các trường hợp vách ngăn mũi bị vẹo đều không có biểu hiện gì phức tạp. Bệnh thường được phát hiện là sau khi mắc phải bệnh về hô hấp liên quan đến mũi họng, ví dụ như cảm cúm kéo dài, mãi không dứt, bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa khám hoặc qua đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Nếu bị vẹo vách ngăn một bên mũi (vẹo hình chữ C), người bệnh thường có triệu chứng bị nghẹt mũi ở bên vách ngăn vẹo. Tình trạng này thường xuyên diễn ra, nhưng lâu dần người bệnh đã quen với cảm giác này nên không để ý triệu chứng bệnh. Nếu lấy ngón tay bịt lấy một bên mũi mới thấy rõ tình trạng mũi không thông ở bên vách ngăn mũi bị vẹo. Nếu bị vẹo cả hai bên vách ngăn mũi (vẹo hình chữ S), bệnh nhân sẽ bị nghẹt mũi cả hai bên. Biểu hiện bệnh thường không rõ ràng trong giai đoạn mũi bình thường và cũng không bị viêm nhiễm.
Triệu chứng hay gặp ở những người bị vẹo vách ngăn mũi mà khiến bệnh nhân phải đến khám bác sĩ là tình trạng nhức đầu. Cảm giác bị nhức một nửa đầu, có thể bên trái hay bên phải, tùy theo mũi bị vẹo bên nào hoặc có thể bị nhức trong hốc mắt cùng bên với vách ngăn vẹo, cũng có trường hợp nhức cả hai bên rồi lan ra phía sau.
Triệu chứng đau nhức đầu mặc dù không mấy dữ dội nhưng diễn ra thường xuyên, âm ỉ và dai dẳng, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu suốt cả ngày. Đôi khi sau 1 đêm ngủ là hết bệnh, nhưng vài hôm sau đó lại tái diễn. Đặc biệt, cảm giác nhức đầu tăng lên khi trời nắng gắt hoặc khi trời trở lạnh, tăng nặng hơn với phụ nữ trong những ngày hành kinh. Nhức đầu thường xuyên dẫn đến mất tập trung, khó làm việc và làm cho người bệnh cảm thấy bực bội, cáu gắt.
Nếu để tình trạng nghẹt mũi kéo dài do vẹo vách ngăn mũi, nguy cơ dẫn đến viêm mũi, viêm xoang. Mặt khác, nghẹt mũi lâu ngày cũng ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch (do đường thở không thông thoáng, dẫn đến hạn chế khả năng thở và hấp thu oxy), ảnh hưởng đến trí nhớ cũng như năng suất làm việc. Ngoài ra, vách ngăn bị vẹo trong thời gian dài không được điều trị còn có thể tạo ra điểm kích thích bên trong hốc mũi, làm nghiêm trọng hơn các bệnh viêm mũi dị ứng hay bệnh lý hen suyễn nếu có, hơn nữa còn làm giảm chức năng khứu giác.
3. Có cần phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi hay không?
Tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên nên hay không nên phẫu thuật. Từ đó, hướng điều trị sẽ khác nhau đối với từng bệnh nhân, chứ không phải cứ bị vẹo vách ngăn là phải mổ.
Nếu chỉ bị vẹo ở mức độ nhẹ, những triệu chứng là không đáng kể, thì bác sĩ chỉ cần tiến hành chỉnh, nắn vách ngăn lại đôi chút, không cần thiết phải phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi.
Trường hợp vẹo nhiều, gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài mới cần thiết làm phẫu thuật (theo phương pháp cổ điển hoặc nội soi) để chỉnh hình vách ngăn. Khi chỉnh hình vách ngăn, bác sĩ sẽ thực hiện cắt, gọt một phần hoặc toàn bộ vách ngăn.