Khái niệm
Các chứng trạng lâm sàng của TSLTTTL với đi tiểu khó, tiểu rắt, tiểu bí, tiểu nhiều lần, tiểu đêm nhiều…được quy nạp vào các chứng “long bế”, “lâm chứng”, “di niệu” của y học cổ truyền (YHCT).
Long bế (lung bế): Là tên chung của các chứng bệnh mà tiểu tiện lượng ít. Biểu hiện đái không thông hoặc bí đái. Đi tiểu không thông thoát, nước tiểu thường nhỏ giọt, nước tiểu ít, ngắn, bệnh diễn biến từ từ gọi là “long”. Còn buồn đi tiểu mà không đi được, nhỏ giọt, thể bệnh thường cấp, đến đột ngột gọi là “bế”. Tuy có mức độ khác nhau song nếu đi tiểu khó ra đều gọi là bí tiểu (long bế). Nguyên nhân là do khí hóa ở bàng quang không thông lợi.
Lâm chứng: Các triệu chứng đái rắt, đái sẻn, đái đau buốt, đái không kìm được, đi đái bị trở ngại khó đi…đều gọi chung là Lâm chứng. Bao gồm 5 chứng lâm (Ngũ lâm): Thạch lâm, Nhiệt lâm, Cao lâm, Lao lâm và Huyết lâm.
Di niệu: Là chứng tiểu tiện không tự khống chế được, nước tiểu tự rỉ ra, hay đái dầm. Đái dầm thường thấy ở trẻ em, chứng đi tiểu luôn không nín được phần nhiều gặp ở người cao tuổi. Bệnh có quan hệ trực tiếp với thận và bàng quang, nếu thận khí hư hoặc bàng quang không chế ước được thì sẽ gây nên bệnh.
Nguyên nhân
- Do thận dương hư.
- Do thấp nhiệt ứ trệ.
- Do khí trệ huyết ứ ở hạ tiêu.
Cơ chế bệnh sinh
Bàng quang là nơi chứa đụng niệu dịch, lại là phủ quản lí việc xuất nạp nước tiểu, khi bàng quang khí hóa thì bài xuất nước tiểu ra ngoài. Bàng quang và thận có quan hệ biểu lý, cho nên khi thận bị bệnh cũng dẫn đến bệnh lí của bàng quang. Bàng quang muốn bài xuất được nước tiểu phải nhờ vào sự khí hóa của thận dương. Vì thế chỉ khi thận, bàng quang cùng phối hợp với nhau mới hoàn thành được công năng thải nước tiểu.
TSLTTTL thường gặp ở người cao tuổi, khi đó chính khí thường suy giảm, công năng tạng phủ thất điều, khí huyết âm dương hư tổn ảnh hưởng tới công năng khí hóa của thận và bàng quang mà sinh bệnh.
Sự hình thành long bế chủ yếu do khí hóa của bàng quang yếu kém làm cho bệnh nhân đi tiểu không hết. Mặt khác, thận chủ nhị tiện, do đó khi thận dương hư làm cho bệnh nhân có các chứng tiểu yếu, tiểu nhỏ giọt, tiểu đêm…Vì vậy, nguyên nhân gây long bế thường do:
- Thấp nhiệt ứ trệ: Do thấp nhiệt ứ trệ ở hạ tiêu làm rối loạn khí hóa ở bàng quang, làm cho bàng quang khí hóa không thông gây nên rối loạn tiểu tiện.
- Do huyết ứ khí trệ ở vùng hạ tiêu cũng làm ảnh hưởng tới khí hóa của bàng quang làm cản trở tới đường đào thải nước tiểu.
- Ở những người cao tuổi, thường có biểu hiện của thận dương hư, thận khí hư: Thận là gốc của thủy hỏa, thận dương hư, mệnh môn hỏa suy không ôn ấm được bàng quang, làm cho khí hóa bàng quang suy giảm, thủy dịch đình trệ dẫn đến rối loạn đi tiểu. Đặc biệt ở người cao tuổi thận dương suy, phế thận khí đều hư nên không đủ sức để bài xuất nước tiểu ra ngoài.
Triệu chứng các thể lâm sàng và điều trị:
- Thể thận khí hư:
+ Tiểu tiện nhiều lần không thông, đi tiểu thường không hết bãi, nhỏ giọt khó đi, sức bài tiết yếu, lưng gối đau mỏi, váng đầu, hoa mắt, tinh thần mỏi mệt, ít ngủ, hay mê, sắc mặt tái nhợt.
+ Lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng.
+ Mạch xích trầm tế hoặc trầm trì.
- Thể thấp nhiệt:
+ Bệnh nhân đi tiểu khó, mỗi lần đi có cảm giác đau buốt, đái rắt, đi tiểu nhiều lần trong ngày, nước tiểu ít, vàng, đôi khi đỏ và đục, bụng dưới đau. Toàn thân có thể sốt, khát nước, đại tiện táo.
+ Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
+ Mạch hoạt sác.
- Thể khí huyết ứ trệ:
+ Tiểu nhiều lần, không thông, dòng tiểu nhỏ như sợi chỉ, đứt quãng hoặc đi tiểu nhỏ giọt, tiểu đau kèm đầy chướng bụng dưới.
+ Chất lưỡi tím hoặc đỏ sẫm, rêu lưỡi trắng, có điểm ứ huyết.
+ Mạch sáp.
=============================================================
👩⚕️CHUYÊN GIA TƯ VẤN SỨC KHỎE - ĐIỀU TRỊ BỆNH MÃN TÍNH BẰNG THẢO DƯỢC ĐÔNG Y: DƯỢC SỸ ĐẠI HỌC NGUYỄN THỊ LIỄU.
☎️ Tel – Zalo - Fb: 0968.556.133 - 0931.699.116.
📧 Email: DuocsiLieu151@gmail.com.
👩⚕️Tôn chỉ chữa bệnh:“Chữa bệnh phải tìm đến gốc - Chữa vào gốc trăm bệnh đều khỏi – Chữa vào ngọn trăm thứ rối bời”.