Người lớn có dấu hiệu thừa cân béo phì, nếu có chỉ số BMI (cân nặng/( chiều cao )2 >25 - Theo BMI của tổ chức Y tế thế giới WHO .
Giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, ông từng gặp rất nhiều người lớn bị béo phì do lười vận động, thói quen ăn uống không khoa học. Như trường hợp của chị Lê Thị A ( Đống Đa, Hà Nội) 50 tuổi là điển hình của lười vận động cân nặng lên tới 81 kg. Chị A cho biết vì bận rộn công việc nên chị A thường xuyên phải ăn uống ở ngoài, chủ yếu là đồ ăn nhanh, đặc thù công việc phải ngồi máy tính nhiều nên dường như chị rất ít có thời gian để đi lại, chủ yếu ngồi một chỗ làm văn phòng. Chỉ đến khi thấy mình quá béo hay mệt mỏi chị mới đi kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ thử đường máu thấy tăng cao, chớm của tiểu đường tuýp 2 nên chị A phải theo dõi cân nặng và tiến hành vận động giảm cân. Tuy nhiên việc giảm cân lúc bấy giờ rất khó vì công việc của chị rất khó để thay đổi và hầu như không có thời gian tập thể dục.
Béo phì gây ra nhiều biến chứng dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau nếu không chữa trị kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Biến chứng nguy hiểm của béo phì - ảnh minh họa
Huyết áp cao: Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim, và một nghiên cứu năm 2018 được công bố cho thấy béo phì và tuổi tác là nguyên nhân chính làm tăng huyết áp. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, giảm cân là điều đầu tiên cần làm để điều trị huyết áp cao.
Cholesterol cao: Những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng có cholesterol cao. Mức độ bất thường của các chất béo trong máu là một yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch vành.
Bệnh tim và đột quỵ: Béo phì dẫn đến sự tích tụ mảng bám bên trong các động mạch vành. Mảng bám tắc làm nghẽn dòng máu mang oxy đến tim. Hơn nữa, béo phì có thể góp phần làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tim. Nguy cơ đột tử do bệnh tim cũng như đột quỵ cũng tăng lên khi bị béo phì.
Ung thư xảy ra khi các tế bào trong cơ thể bắt đầu phát triển bất thường hoặc ngoài tầm kiểm soát. Trong các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư, thừa cân là một trong số đó. Béo phì làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư như ung thư vú, đại tràng, trực tràng, tử cung, túi mật và ung thư thận.
Ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến, nó làm cho một người ngưng thở trong thời gian ngắn hoặc hơi thở nông trong khi ngủ và cũng gây ra chứng ngáy ngủ. Một người thừa cân có thể có nhiều chất béo quanh cổ, làm cho đường hô hấp nhỏ hơn và khó thở.
Bệnh gan nhiễm mỡ thường gặp ở những người béo phì. Trong tình trạng này, chất béo tích tụ trong gan và gây viêm hoặc sẹo. Và cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương gan nặng, xơ gan (mô sẹo) hoặc thậm chí là suy gan. Những người bị bệnh gan nhiễm mỡ nên giảm cân, ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất và tránh uống rượu.
Bệnh túi mật: Bệnh túi mật và sỏi mật thường gặp hơn ở những người thừa cân. Cholesterol dư thừa là một trong những lý do đằng sau sỏi mật. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao bất thường có nguy cơ bị bệnh sỏi mật cao hơn. Trong thực tế, mỡ bụng làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi mật.
Các vấn đề về sinh sản: Béo phì có thể gây ra các vấn đề kinh nguyệt và vô sinh ở phụ nữ; vấn đề rối loạn chức năng cương dương, số lượng tinh trùng thấp và các vấn đề sức khỏe tình dục khác ở nam giới. Một nghiên cứu của Hiệp hội Y học sinh sản Hoa Kỳ báo cáo rằng béo phì làm tăng nguy cơ nhiều biến chứng của thai kỳ và có liên quan đến rối loạn chức năng kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản và tăng nguy cơ sẩy thai.
Viêm xương khớp: Béo phì là một trong những yếu tố góp phần gây viêm xương khớp, đặc biệt ở đầu gối, hông và lưng dưới. Giảm cân sẽ làm giảm căng thẳng ở đầu gối, hông và lưng dưới cũng như giảm viêm trong cơ thể. Tập thể dục hàng ngày để giảm cân, giảm đau và tăng tính linh hoạt của khớp xương.
Tập thể dục là phương pháp quan trọng nhất chữa bệnh béo phì - ảnh minh họa
Dù là bệnh gì đi nữa thì việc cơ thể thừa cân là điều không tốt, không những gây ra nhiều mối nguy hại cho bản thân mà còn làm mất vóc dáng cân đối của mỗi người. Hãy tập thói quen ăn uống điều độ, hạn chế ăn những loại thức ăn nhiều dầu mỡ, dễ béo, đồ uống có ga, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao đều đặn.