Vì vậy, thực hiện chế độ ăn và giảm cân là những biện pháp điều trị không thể thiếu đối với bệnh nhân tăng huyết áp.
Thực hiện chế độ ăn với người bệnh
Giảm lượng muối natri: Ăn giảm muối giúp hạ huyết áp ở những người tăng huyết áp hoặc ở giới hạn bình thường cao. Ăn giảm muối cũng làm giảm tỷ lệ bệnh nhân phải tái nâng liều thuốc hạ áp sau khi đã được phép giảm liều.
Chuyển từ thói quen ăn mặn sang chế độ ăn giảm muối giúp giảm nhẹ huyết áp ở những người huyết áp bình thường. Khi lượng natri đưa vào cơ thể giảm từ 4000 mg xuống còn 2000 mg mỗi ngày thì huyết áp có thể giảm từ 2 – 3 mmHg. Trong 7 năm ăn giảm muối, huyết áp có thể giảm đi 10 mmHg. Như vậy, ăn giảm muối có thể giúp làm giảm nguy cơ tim mạch.
Ăn nhiều rau quả : Ăn nhiều rau quả hàng ngày có thể làm giảm huyết áp và phòng chống tăng huyết áp. Một nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tăng huyết áp mức độ vừa ăn nhiều rau làm giảm được huyết áp tâm thu nhiều hơn so với khi ăn theo tiết chế bình thường.
Một trong những thành phần của rau quả có thể gây tác động đến huyết áp đó là chất xơ. Tăng chất xơ trong khẩu phần ăn có thể làm giảm huyết áp. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy nếu ăn trung bình hàng ngày 11,5 gam chất xơ sẽ làm huyết áp giảm được 1,2 – 1,3 mmHg. Mặt khác, ăn nhiều chất xơ sẽ có nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe, ví dụ như giảm được lượng cholesterol toàn phần và nồng độ insulin. Nên ăn từ 20 – 35 gam chất xơ mỗi ngày. Ngũ cốc là nguồn cung cấp chất xơ rất quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Chế độ ăn nhiều rau quả tốt cho người bệnh tăng huyết áp.
Ăn cá nước ngọt: Tăng lượng cá nước ngọt trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể giúp hạ huyết áp. Phối hợp với biện pháp giảm cân nặng làm hạ huyết áp được nhiều hơn. Trong một nghiên cứu khoa học cho thấy ăn nhiều cá và giảm cân nặng làm huyết áp 133/77 mmHg giảm xuống 119/68 mmHg.
Bỏ hoặc hạn chế uống cà phê: Cà phê có thể làm tăng nhẹ huyết áp cho dù tác dụng nà y chỉ là tạm thời. Dùng cà phê vừa phải không gây nguy cơ tăng huyết áp trong phần lớn các trường hợp.
Nghiện cà phê có thể làm tăng huyết áp vừa phải ở một số bệnh nhân. Phân tích tổng hợp 18 nghiên cứu khoa học cho thấy uống cà phê làm huyết áp tâm thu tăng 1,2 mmHg và huyết áp tâm trương tăng 0,49 mmHg. Huyết áp giảm xuống sau khi bỏ thói quen uống cà phê hàng ngày.
Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục có thể làm giảm huyết áp từ 5 – 15 mmHg. Để có được hiệu quả này cần phải tập thường xuyên và kéo dài. Ngừng tập luyện có thể làm cho huyết áp tăng trở lại. Cần lưu ý rằng bên cạnh tập thể dục thường xuyên, các động tác đi lại, vươn thở sâu... có thể giúp tiêu hao 100 – 800 calo mỗi ngày.
Lợi ích của giảm cân
Thừa cân gây nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác phối hợp với tăng huyết áp. Cùng với tuổi, tăng cân dần dần trong cuộc sống dường như góp phần làm tăng huyết áp ở những người có tuổi.
Giảm cân là kết quả đạt được của nhiều biện pháp không dùng thuốc phối hợp, ví dụ giảm calo trong khẩu phần ăn, tăng cường luyện tập thể dục, hạn chế bia rượu...
Thừa cân làm tăng huyết áp và làm cho huyết áp khó kiểm soát huyết áp ở những bệnh nhân tăng huyết áp. Ngược lại, giảm đi 1kg cân nặng giúp huyết áp giảm 1mmHg.
Thêm vào tác dụng hạ áp, giảm cân còn mang lại một số lợi ích khác như giảm cholesterol máu, giảm phì đại tim, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, chúng ta cần duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý. Giảm cân có thể khó đạt được và khi đạt được cũng khó duy trì nên việc duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý đòi hỏi phải áp dụng nhiều biện pháp phối hợp như tiết chế hàng ngày, không nên sử dụng thức ăn quá béo hoặc nhiều đồ uống có ga, luyện tập thể dục và kiểm tra cân nặng thường xuyên. Nếu có điều kiện, nên đến tư vấn bác sĩ về dinh dưỡng, tim mạch hoặc nội tiết để sức khỏe của chúng ta được chăm sóc tốt hơn.
PGS. TS. Tạ Mạnh Cường