- Thừa cân, béo phì là gì?
Thừa cân, béo phì là tình trạng tích lũy năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ trắng phân bố bất thường trên cơ thể, làm ảnh hưởng đến vóc dáng và làm tăng nguy cơ mắc nhiều căn bệnh mãn tính.
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì?
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến béo phì đó là nguyên nhân nội sinh và nguyên nhân ngoại sinh:
Nguyên nhân nội sinh
Theo thống kê thì hiện nay chỉ có khoảng 10% người thừa cân, béo phì là do gen di truyền từ gia đình hoặc những bệnh lý rối loạn nội tiết tố và trao đổi chất trong cơ thể.
Nguyên nhân ngoại sinh
Có 90% số người mắc bệnh thừa cân, béo phì là do chế độ ăn uống, sinh hoạt ở bên ngoài. Một số nguyên nhân ngoại sinh dẫn đến thừa cân, béo phì như sau:
- Chế độ ăn uống quá dư thừa: Chế độ ăn có quá nhiều chất béo, tinh bột… số lượng bữa ăn và thời gian ăn không hợp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến béo phì. Khi vào cơ thể, các chất Protid, lipid, glucid đều có thể chuyển hóa thành chất béo dư thừa trong cơ thể.
- Hoạt động thể lực kém: Hoạt động thể lực là yếu tố để cân bằng lượng calo nạp vào cơ thể với lượng calo được giải phóng thông qua vận động. Vì vậy một người lười vận động cũng có khả năng mắc bệnh béo phì cao hơn so với người thường xuyên vận động.
- Chế độ sinh hoạt: Ăn uống không hợp lý, ít vận động, ngủ muộn, thời gian làm việc không khoa học, sử dụng chất kích thích… đều có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
- Yếu tố tâm lý: Có hai hội chứng rối loạn về tâm thần có thể gây nên béo phì đó là hội chứng ăn uống vô độ và hội chứng ăn đêm, gồm biếng ăn vào buổi sáng nhưng lại ăn nhiều về ban đêm đi kèm với mất ngủ. Cả hai là những yếu tố rất quan trọng gây rối loạn giữa năng lượng đưa vào và năng lượng tiêu hao. Yếu tố này thường xuất phát từ việc những người xung quanh thể hiện sự kì thị với người béo phì.
- Yếu tố kinh tế, xã hội: Kinh tế xã hội ảnh hưởng đến chất lượng và khẩu phần ăn của mỗi người. Tại các nước đang phát triển thì người có điều kiện kinh tế sẽ có khả năng mắc béo phì cao hơn so với người thường. Ngược lại, ở các nước đã phát triển thì tỷ lệ người nghèo có nguy cơ mắc béo phì cao hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì. Một người bị mắc bệnh thừa cân, béo phì có thể do nhiều nguyên nhân tác động cùng một lúc. Vì vậy, điều quan trọng nhất để tránh tình trạng thừa cân, béo phì đó là duy trì lối sinh hoạt khoa học, lành mạnh.
- Hậu quả của thừa cân, béo phì
Tình trạng thừa cân kéo dài dẫn đến béo phì sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
- Tăng khả năng mắc các bệnh về ung thư như ung thư thực quản, thực tràng, ung thư vú…
- Ảnh hưởng đến hệ tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
- Ảnh hưởng đến hệ hô hấp, giảm khả năng thông khí, nguy hiểm hơn là có thể gây biến chứng ngừng thở khi ngủ.
- Ảnh hưởng đến hệ nội tiết, chuyển hóa dẫn đến tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng khả năng mắc bệnh gút…
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tự ti lâu ngày dẫn đến trầm cảm, không hòa nhập cộng đồng…
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh và biến chứng nguy hiểm. Việc chủ động phòng chống béo phì sẽ an toàn và tiết kiệm hơn nhiều so với việc chữa béo phì. Vì vậy cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để đo lường tình trạng cân nặng và lượng mỡ thừa trong cơ thể để điều chỉnh chế độ sinh hoạt và có phương án điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe và duy trì vóc dáng cân đối cho cơ thể.