Mạt Bụi Nhà - thủ phạm giấu mặt gây chứng dị ứng và cơn hen suyễn

Viết bởi ThuocdongyDsl.com (Tel: 0968 556 133). vào


Trong thực tế lâm sàng, khi nhắc tới dị ứng người ta hay nói tới các tác nhân gây dị ứng như: lông thú nuôi (chó, mèo), phấn hoa, khói thuốc lá, đồ hải sản, thời tiết ..... Nhưng không nhiều người biết một thủ phạm ngay bên cạnh ta và thường xuyên gây dị ứng cũng như những đợt suyễn kéo dài cho trẻ em đó là CON MẠT BỤI NHÀ.


Thông thường 1 trẻ mắc chứng hen suyễn bằng các thuốc đặc trị như: thuốc giãn phế quản nhanh, corticoid toàn thân hay tại chỗ, kháng leucotrien (monkelustat) ... đợt hen sẽ chấm dứt sau khoảng 3-5 ngày, với các cháu đề kháng kém dễ bị bội nhiễm vi khuẩn hay vào giai đoạn thời tiết biến động thất thuờng thì đợt bệnh có thể kéo dài hơn, cùng với kháng sinh nhằm chống bội nhiễm thì đợt bệnh ít khi kéo dài quá 1 tuần.


Tôi từng gặp 1 số cháu khò khè kéo dài cả nửa tháng, hàng tháng mặc dù điều trị rất tích cực bằng các thuốc thế hệ mới và tốt nhưng chứng khò khè cứ tiếp diễn (tất nhiên không nặng hơn, nhưng hoài không khỏi), nhà ở của các cháu thì không có hoa, không nuôi chó mèo hay không có người hút thuốc (với 1 trẻ có bệnh hen, ngay từ lần đầu tới khám tôi đều yêu cầu cha mẹ cháu loại bỏ hết các yếu tố đó ra khỏi phạm vi nhà ở), đồng thời tôi khuyên phải tránh 1 số đồ ăn dễ gây dị ứng (hải sản, thịt bò...) ... thế nhưng triệu chứng ho, khò khè không thuyên giảm, phương án gần như cuối cùng của đợt trị liệu ngoại trú là đổi nhà ở, tôi yêu cầu cha mẹ chuyển chỗ ở cho bé (sang phòng khác, hoặc về nhà ông bà ở 1 thời gian... và các cháu khỏi bệnh rất nhanh. Điều đó gợi ý 1 tác nhân gây dị ứng luôn tồn tại xung quanh bé ngay chính trong căn phòng, căn nhà của mình và tác động lên hệ hô hấp thường xuyên khiến chứng khò khè không cải thiện được, điều đó khiến tôi nghĩ tới MẠT BỤI NHÀ. Mời các bạn cùng đọc tài liệu sau để hiểu rõ hơn về tác nhân này. 


DỊ ỨNG MẠT BỤI (29/05/2009)


Mạt bụi là những vi sinh vật cùng họ với nhện thường sống trong nhà. Chúng phát triển trong môi trường nóng ẩm, ăn các tế bào da chết và làm tổ trong các loại vật dụng như giường chiếu, đồ vải, thảm và các đồ đạc bám bụi bẩn. Phân và xác của mạt bụi cùng với bụi bẩn có thể gây dị ứng cho những người mẫn cảm.


Dấu hiệu và triệu chứng


Dị ứng mạt bụi nhà có thể đi từ nhẹ đến nặng. Dị ứng nhẹ có thể gây chảy nước mắt nước mũi, hắt hơi, ngứa. Trong những trường hợp nặng bệnh có thể là mạn tính và gây thở khò khè dai dẳng, xung huyết mũi và nặng mặt.
Người bị hen nếu ngủ trên giường bị nhiễm mạt bụi nhà sẽ rất dễ lên cơn hen vào ban đêm.


Nguyên nhân


Khi mạt bụi nhân lên, thì những chất cặn bã từ phân và xác của chúng cũng vậy. Ở người bị dị ứng với mạt bụi, cơ thể sẽ phản ứng khi hít phải những chất này. Hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra kháng thể IgE để chống lại, dẫn đến giải phóng histamin gây phù nề niêm mạc ở phổi, mũi, xoang và mắt.


Xét nghiệm và chẩn đoán


Nếu các triệu chứng thở khò khè, hắt hơi, chảy nước mắt nước mũi diễn ra dai dẳng, có thể làm các test tiêm, lấy da hoặc cào xước da để xác định xem có phải dị ứng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hay không.
Nếu test da không thể tiến hành được, cũng có thể làm xét nghiệm máu để phát hiện dị ứng.


Điều trị


· Giảm thiểu sự tiếp xúc với mạt bụi.
· Thuốc chống dị ứng:
- Thuốc không kê đơn: các thuốc kháng histamin tác dụng ngắn, thuốc giảm sung huyết mũi hoặc thuốc xịt mũi chứa cromolyn natri.
- Thuốc kê đơn: gồm các kháng histamin tác dụng kéo dài, thuốc xịt mũi chứa corticosteroid để làm giảm viêm, và thuốc ức chế leukotriene là montelukast, ngăn chặn hoạt động của các leukotrien - một nhóm chất của hệ miễn dịch gây các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng, như tăng tiết chất nhầy.
- Nếu dị ứng mạt bụi gây triệu chứng hen, bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid dạng hít, thuốc chủ vận beta-2 tác dụng kéo dài, phối hợp corticosteroid hít và thuốc giãn phế quản tác dụgn kéo dài, và thuốc chủ vận beta-2 tác dụng nhanh để cắt cơn hen.
· Liệu pháp miễn dịch
Tiêm chất chiết xuất từ mạt bụi với liều tăng dần 1-2 lần/tuần để giải mẫn cảm.


Phòng bệnh


· Tạo rào cản: phủ đệm và gối bằng tấm phủ chống bám bụi.
· Luôn giữ cho nhà cửa khô ráo, với độ ẩm tương đối từ 30-50%.
· Chọn mua những loại đồ chơi nhồi bông có thể giặt sạch được và không để đồ chơi nhồi bông lên giường ngủ.
· Giặt chăn màn ga gối hằng tuần bằng nước nóng.
· Lau chùi bụi bẩn bằng miếng mút ẩm thay vì vải khô.
· Giảm bớt những đồ đạc dễ bám bụi như đồ trang trí lặt vặt, sách báo tạp chí trong buồng ngủ.
Do mạt bụi không tồn tại lâu trong không khí, nên việc sử dụng máy lọc không khí đơn thuần sẽ không mang lại hiệu quả. Vệ sinh nhà cửa cùng với những gợi ý trên là cách tốt hơn để giảm thiểu mạt bụi trong nhà.

=============================================================

👩‍⚕️ TƯ VẤN SỨC KHỎE BỞI CÁC DƯỢC SỸ ĐẠI HỌC- HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH MÃN TÍNH BẰNG THẢO DƯỢC ĐÔNG Y - Thuocdongy365.com

☎️ Tel – Zalo - Fb: 0968.556.133 - 0931.699.116.

👩‍⚕️Tôn chỉ chữa bệnh:“Chữa bệnh phải tìm đến gốc - Chữa vào gốc trăm bệnh đều khỏi – Chữa vào ngọn trăm thứ rối bời”.


Bài viết cũ hơn Bài Viết Mới

Top

params.svg
Panel Tool
Float header
Float topbar
Default Boxed Large