1. Cơ chế bệnh sinh của bệnh COPD:
- Cơ chế bệnh sinh chủ yếu của khái suyễn là do phế khí mất tuyên thông, đưa đến thượng nghịch, làm phát sinh các triệu chứng ho, khạc đờm, khó thở…
- Nhân khi thời tiết lạnh, hay thay đổi đột ngột, ngoại tà sẽ qua đường mũi hay bì mao xâm nhập vào cơ thể, tụ hội ở phế làm cho phế khí mất túc giáng, thất điều dẫn đến khái suyễn. Nếu lâu ngày không khỏi, phế khí hư, yếu, sẽ ảnh hưởng tới tỳ, thận. Vệ ngoại bất cố làm bệnh dễ tái phát, dần hình thành chứng khái suyễn chuyển nặng dẫn đến phế trướng.
- Tỳ là gốc của hậu thiên, tỳ hư thì không thực hiện được công năng vận hóa thủy cốc, khiến cho chất thanh khó thăng lên chất trọc khó giáng xuống, làm chất tinh vi của thủy cốc không thể lưu chuyển được bình thường, tụ lại mà hóa thành đàm. Đồng thời phế, thận là gốc của tiên thiên, thận dương không được ôn ấm, động lực giúp chuyển hóa tân dịch bị suy giảm mà ngừng lại thành đàm. Thận âm suy tổn hư hỏa ở hạ tiêu chưng bốc, hun đúc tân dịch, cũng tạo thành đàm.
- Đàm lưu trệ ở phế gây trở tắc khí đạo, dẫn đến phế khí tuyên giáng thất điều tạo nên các chứng khái suyễn. Bởi vậy, người xưa nói: “Thận vi sinh đàm chi bản, tỳ vi sinh đàm chi nguyên, phế vi trữ đàm chi khí”, nghĩa là: thận là gốc của đàm, tỳ là nơi sinh ra đàm, phế là nơi trữ đàm. Bên cạnh đó “Phế bất thường khái, tỳ bất thường cửu khái, thật bất thường bất suyễn”, nghĩa là: phế không bị tổn thương thì không ho, tỳ không bị tổn thương thì không thể ho kéo dài, thận không bị tổn thương thì không thể khó thở.
- Tham gia vào cơ chế bệnh sinh của khái suyễn, còn phải nói đến 3 yếu tố bệnh lý là: đàm, hư và ứ. Đây là sản phẩm bệnh lý do rối loạn chức năng tạng phủ, đồng thời là những yếu tố trực tiếp hay gián tiếp gây bệnh. Tỳ hư hay thận hư đều sinh đàm, mặt khác không có thấp thì cũng không có đàm, thấp tà là nội nhân sinh đàm. Hỏa nội sinh có thể do táo nhiều từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, hoặc do hàn uất hóa hỏa, do tình chí rối loạn, ăn uống không điều độ…đều có thể kết hợp với đàm thấp, sinh ra đàm hỏa gây tắc trở phế lạc, khiến cho phế khí mất tuyên thông mà sinh bệnh.
⇒ Như vậy, khái suyễn là một bệnh mang tính chất hư thực thác tạp mà chủ yếu là bản hư tiêu thực (chính hư, tà thực) và chuyển hóa lẫn nhau. Ngoại cảm khái suyễn thuộc thực, nội thương khái suyễn thuộc hư. Bản hư là tạng phủ suy hư, mà chủ yếu là phế tỳ thận. Tiêu thực là đàm trệ, huyết ứ, hỏa uất, khí nghịch…mặt khác người xưa còn nói rằng “Kỳ tiêu tại phế, kỳ bản tại tỳ thận”, ý muốn nhấn mạnh tỳ thận hư, đặc biệt là thận hư là nhân tố bệnh lý trọng yếu trong bệnh khái suyễn.
2.Phân thể bệnh COPD theo Đông y:
Cho đến nay việc phân chia các thể lâm sàng của khái suyễn, còn chưa thống nhất.
- Có tác giả chia thành 5 thể: Phong hàn, phong nhiệt, khí táo, đàm thấp và thủy ẩm.
- Có tác giả chia thành 7 thể: Phong hàn phạm phế, đàm nhiệt ủng phế, đàm trọc trở phế, hàn ẩm phạm phế, phế hư, tỳ hư và thận hư.
- Có tác giả chia tới 10 thể: Phong hàn phạm phế, phong nhiệt phạm phế, ôn táo phạm phế, lãnh táo thương phế, đàm nhiệt ủng phế, đàm thấp uẩn phế, can uất phạm phế, phế ẩm khuynh hao, phế thận khí hư và ứ huyết khái thấu.
- Tuy nhiên, hầu hết các tác giả đều nhất trí phân chia bệnh khái suyễn thành 2 giai đoạn, giai đoạn tái phát cấp tính (thực chứng) và giai đoạn hoãn giải hay ổn định (hư chứng).
=============================================================
👩⚕️ TƯ VẤN SỨC KHỎE BỞI CÁC DƯỢC SỸ ĐẠI HỌC- HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH MÃN TÍNH BẰNG THẢO DƯỢC ĐÔNG Y:
☎️ Tel – Zalo - Fb: 0968.556.133 - 0931.699.116.
👩⚕️ Email: ThuocdongyDsl@gmail.com
👩⚕️Tôn chỉ chữa bệnh:“Chữa bệnh phải tìm đến gốc - Chữa vào gốc trăm bệnh đều khỏi – Chữa vào ngọn trăm thứ rối bời”.